Cuộc sống thường nhật Đế_quốc_La_Mã

Thành thị và nông thôn

Quy hoạch thành phố và lối sống đô thị của người La Mã đã bị ảnh hưởng bởi người Hy Lạp ngay từ giai đoạn đầu. Ở Đông La Mã, sự cai trị của người La Mã đã thúc đẩy và định hình sự phát triển mang tính địa phương của các thành phố vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hy Lạp. Các thành phố như Athens, Aphrodisias, Ephesus và Gerasa đã thay đổi một số khía cạnh của quy hoạch và kiến trúc thành phố để phù hợp hơn với lý tưởng hoàng gia, đồng thời thể hiện bản sắc riêng và tính ưu việt của khu vực. Ở Tây La Mã, Rome khuyến khích phát triển các trung tâm đô thị với những ngôi đền bằng đá, nơi hội họp, đài phun nước hoành tráng, nhà hát ngoài trời..., thường được xây gần hoặc tại các khu định cư có từ trước gọi là oppida. Quá trình đô thị hóa ở La Mã Châu Phi mở rộng trên các thành phố Hy Lạp và Punic dọc theo bờ biển.

Tại thành phố Rome, hầu hết mọi người thuộc tầng lớp nghèo hoặc trung lưu sống trong các tòa nhà chung cư cao tầng (insulae) mà thường là bẩn thỉu và dễ hỏa hoạn. Các insulae có thể cao đến sáu hoặc bảy tầng, những căn hộ lớn nhất và đắt nhất thường nằm ở tầng dưới cùng. Đa số Insulae được xây dựng bằng gỗ, gạch bùn, và bê tông nguyên thủy nên rất dễ bị cháy và sụp đổ. Augustus đã tiến hành cải cách nhằm tăng cường sự an toàn của các tòa nhà ở thành phố Rome. Vì mối nguy hiểm của hỏa hoạn và sụp đổ, chiều cao tối đa của các insulae bị Augustus giới hạn ở mức 70 feet La Mã gọi là pes (tương đương 20,7 m), và sau đó bị giảm xuống còn 60 feet La Mã (17,75 m) bởi Hoàng đế Nero sau vụ Đại Hỏa hoạn thành Rome.

Các cơ sở công cộng chẳng hạn như nhà tắm công cộng, nhà vệ sinh có vòi xả nước (latrinae), bồn chứa nước hoặc các đài phun nước công phu (nymphea) cung cấp nước ngọt, và các hoạt động giải trí quy mô lớn chẳng hạn đua ngựa hay võ sĩ giác đấu chủ yếu nhắm vào những người thường sống trong các insulae. Các cơ sở tương tự được xây dựng ở các thành phố trên khắp Đế chế, và một số cấu trúc La Mã được bảo tồn tốt nhất là ở Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp và miền bắc châu Phi.

Các nhà tắm công cộng phục vụ các chức năng vệ sinh, xã hội và văn hóa. Tắm là trọng tâm của xã hội thường nhật La Mã vào buổi chiều muộn trước bữa tối. Các phòng tắm được chia làm 3 cấp nhiệt độ: caldarium là tắm nước nóng, tepidarium là tắm nước ấm, và fgiridarium là tắm nước lạnh. Ngoài ra có thể còn có các dịch vụ khác như các phòng tập thể dục và tập tạ, phòng xông hơi khô, spa tẩy tế bào chết (nơi các loại dầu được mát xa vào da và cơ thể được kỳ cọ bằng một dụng cụ gọi là strigil), sân bóng hoặc bể bơi ngoài trời. Nước trong phòng tắm thường được đun bằng lò dưới sàn. Những phòng tắm khỏa thân kết hợp nam nữ không phải là điều bất thường trong thời kỳ đầu của Đế quốc, mặc dù một số cơ sở có thể đã cung cấp những phòng tắm riêng biệt cho nam giới và phụ nữ. Phòng tắm công cộng là một phần của văn hóa đô thị tại khắp các tỉnh, nhưng vào cuối thế kỷ thứ 4, bồn tắm cá nhân bắt đầu xuất hiện ở các hộ gia đình và dần thay thế hình thức tắm chung.

Các gia đình giàu có ở Rome thường có từ hai ngôi nhà trở lên, một căn nhà ở thành phố (domus) và ít nhất một căn biệt thự (villa) nằm ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn bên ngoài thành phố.

Domus là ngôi nhà thuộc sở hữu riêng của một gia đình thượng lưu giàu có, và có thể được trang bị một phòng tắm riêng (balneum), nhưng đó không phải là một nơi để rút lui khỏi đời sống công cộng. Mặc dù có một vài khu phố của Rome tập trung một số lượng lớn những căn nhà sang trọng, thế nhưng những người giàu ở Rome thường không sống trong những khu vực biệt lập. Nhà của họ thường dễ tìm thấy và dễ tiếp cận. Sảnh trước (atrium) phục vụ như là một đại sảnh để tiếp khách, trong đó gia trưởng (chủ hộ) gặp khách hàng vào mỗi buổi sáng, từ những bạn bè giàu có đến những người phụ thuộc nghèo nhận từ thiện. Nó cũng là một trung tâm của nghi lễ tôn giáo gia đình, có đặt một đền thờ và những hình ảnh của tổ tiên gia đình. Những ngôi nhà nằm trên những con đường bận rộn đông đúc người qua lại, có không gian đối diện với đường phố thường được thuê để làm các cửa hàng (tabernae) với mục đích kinh doanh.

Những căn biệt thự (villa) ở ngoại ô hoặc nông thôn ngược lại là một lối thoát khỏi sự nhộn nhịp của thành phố, và chỉ có giới thượng lưu mới có đủ điều kiện để sở hữu những căn nhà này. Những căn villa có thể được xây trên những khu đất riêng của người chủ sở hữu, hoặc xây ở những "thị trấn nghỉ mát" nằm trên bờ biển, chẳng hạn như ở các thành phố Pompeii và Herculaneum.

Chương trình đổi mới đô thị dưới thời Augustus, và sự tăng trưởng dân số của Rôma lên tới 1 triệu người, hình thành nên một nỗi nhớ dành cho cuộc sống nông thôn được thể hiện trong nghệ thuật. Các thi sĩ ngợi ca cuộc sống lý tưởng của nông dân và người chăn cừu. Nội thất của các ngôi nhà thường được trang trí bằng tranh vẽ những khu vườn, đài phun nước, thiên nhiên, cây cảnh, và động vật, đặc biệt là chim và sinh vật biển, đạt độ chính xác đến mức các học giả hiện đại đôi khi có thể nhận diện chúng theo loài. Nhà thơ Augustace Horace nhẹ nhàng châm biếm sự khác biệt giữa các giá trị đô thị và nông thôn trong truyện ngụ ngôn của ông về chuột thành phố và chuột nông thôn, thường được kể lại như một câu chuyện dành cho trẻ em.

Ở một mức độ thực tế hơn, chính quyền trung ương đã có sự quan tâm tích cực trong việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Sản xuất lương thực là ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng đất. Các trang trại lớn (latifundia) đạt được một nền kinh tế có quy mô duy trì cuộc sống đô thị bền vững và phân công lao động chuyên biệt hơn. Tiểu nông được hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường địa phương ở các thị trấn và trung tâm buôn bán. Các kỹ thuật nông nghiệp như luân canhchọn giống vật nuôi đã được phổ biến khắp Đế quốc, và các giống cây trồng mới được giới thiệu từ tỉnh này sang tỉnh khác, chẳng hạn như đậu Hà Lan và cải bắp được vận chuyển sang Anh.

Việc duy trì một nguồn cung cấp thực phẩm với giá cả phải chăng cho cư dân nghèo ở thành phố Rome đã trở thành một vấn đề chính trị lớn vào cuối thời Cộng hòa. Vào năm 123 TCN một đạo luật được đề xuất bởi Gaius Gracchus và sau đó được chấp thuận rộng rãi, qua đó mọi công dân là nam giới trưởng thành (trên 14 tuổi) ở Rome sẽ được cung cấp 33 kg ngũ cốc mỗi tháng với mức giá cực kỳ thấp. Đến những năm 60 TCN thì ngũ cốc bắt đầu được trợ cấp hoặc phân phát miễn phí cho những người nam giới có đủ điều kiện công dân. Ngũ cốc được sử dụng để làm bánh mì, yếu tố quan trọng nhất trong bữa ăn của người La Mã. Có khoảng 200,000-250,000 người đàn ông trưởng thành tại Rome đã nhận khoản trợ cấp này hàng tháng, khoảng 33 kg ngũ cốc cho mỗi người, tổng cộng khoảng 100.000 tấn lúa mì chủ yếu được thu hoạch từ Sicily, Bắc Phi và Ai Cập. Khoản trợ cấp ngũ cốc này tiêu tốn ít nhất 15% ngân khố của nhà nước, nhưng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện sống của người dân ở các tầng lớp thấp hơn trong xã hội, đồng thời đem lại lợi nhuận cho người giàu bởi nó cho phép người dân nghèo chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ vào rượu vang và dầu ô liu, những thứ vốn được sản xuất từ trang trại của những địa chủ giàu có.

Thực phẩm và ăn uống

Hầu hết các căn hộ ở Rome không có nhà bếp, mặc dù một lò than củi có thể được sử dụng cho việc nấu ăn đơn giản ở hầu hết các hộ gia đình. Thực phẩm đã qua chế biến được phục vụ tại các quán rượu và hộp đêm, cũng như các nhà trọ và quầy hàng thực phẩm (tabernae, cauponae, popinae, thermopolia). Người dân thuộc tầng lớp thấp trong xã hội chủ yếu ăn uống tại các nhà hàng, trong khi người giàu thường tổ chức những bữa tiệc sang trọng tại nhà riêng với những đầu bếp (archimagirus) và nhân viên nhà bếp được huấn luyện. Những bữa ăn sang trọng cũng có thể xuất hiện ở các buổi tiệc được tổ chức bởi các câu lạc bộ xã hội (collegia).

Hầu hết người dân La Mã tiêu thụ ít nhất 70% lượng calo hàng ngày của họ dưới hình thức các loại ngũ cốc và các loại đậu. Món cháo yến mạch Puls (pottage) được coi là món ăn thổ dân của người La Mã. Các loại súp ngũ cốc cơ bản có thể kết hợp với rau xắt nhỏ, thịt bít tết, pho mát, hoặc các loại thảo mộc để tạo nên các món ăn tương tự như polenta hoặc risotto.

Cư dân đô thị và quân đội ưa thích tiêu thụ ngũ cốc của họ dưới hình thức các loại bánh mì. Các cối xay và lò nướng thương mại thường được kết hợp trong một khu phức hợp sản xuất bánh mì. Đến triều đại của Aurelian, bánh mì sản xuất từ các xưởng bánh mì của nhà nước đã được phân phối miễn phí cho người dân như là khẩu phần ăn hàng ngày, cùng với đó là dầu ô liu, rượu vang, và thịt lợn cũng đã được cung cấp miễn phí cho mọi công dân (nam giới).

Văn học La Mã tập trung vào thói quen ăn uống của các tầng lớp thượng lưu, những người mà bữa chiều (cena) đối với họ có chức năng xã hội quan trọng. Khách ăn tối thưởng thức bữa ăn trong một phòng ăn được trang trí tinh xảo (triclinium), thường có tầm nhìn hướng ra một khu vườn yên tĩnh. Khi ăn, họ ngồi hoặc nằm tựa trên những chiếc trường kỷ. Một bữa Cena truyền thống bao gồm ba phần. Món khai vị thường bao gồm trứng, ô liu và rượu mật ong. Món chính thường bao gồm một món thịt, chẳng hạn như thịt lợn nướng. Món tráng miệng bao gồm trái cây hoặc các loại hạt.

Bánh mì là món ăn thường nhật của người La Mã, người giàu ăn bánh mì làm từ lúa mì và những người nghèo hơn thì ăn bánh mì làm từ lúa mạch. Các sản phẩm tươi sống như rau và đậu cũng rất quan trọng. Ô liu và các loại hạt cũng thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của người La Mã. Mặc dù có nhiều hoàng đế La Mã khuyến khích người dân không ăn thịt - như các hoàng đế Didius Julianus và Septimius Severus - nhưng thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt như xúc xích, thịt muối và thịt xông khói vẫn được tiêu thụ rộng rãi bởi người dân. Sữa dê hoặc sữa cừu được ưa chuộng hơn so với sữa bò; sữa cũng được sử dụng để làm ra các loại pho mát, vì đây là một cách để lưu trữ và kinh doanh các sản phẩm sữa. Dầu ô liu là nguyên liệu cơ bản để nấu ăn của người La Mã, nó còn được dùng để thắp sáng và tạo ra các chế phẩm dùng khi tắm rửa. Bơ bị người La Mã xem thường, nhưng lại là một đặc điểm nổi bật của chế độ ăn uống Gallic. Muối là thứ gia vị cơ bản trong bữa ăn: Pliny the Elder từng nhận xét rằng "Cuộc sống văn minh không thể tiếp diễn mà không có muối: nó là một thành phần cần thiết đến mức nó trở thành một phép ẩn dụ cho niềm vui tinh thần mãnh liệt". Muối là một mặt hàng thương mại quan trọng, nhưng muối tinh khiết lại tương đối đắt tiền. Gia vị mặn phổ biến nhất là một loại nước mắm lên men được gọi là garum. Gia vị địa phương có sẵn bao gồm các loại thảo mộc trong vườn, thì là, rau mùi và quả bách xù. Gia vị nhập khẩu bao gồm tiêu, nghệ tây, quế và thì là. Các loại thực phẩm ngọt như bánh ngọt thường sử dụng mật ong và siro rượu để làm chất tạo ngọt. Một loạt các loại trái cây khô (quả sung, quả mận) và các loại trái cây tươi cũng thường xuyên có mặt trong bữa ăn như là một món tráng miệng của người La Mã.

Những bữa ăn xa hoa có thể được xem như một dấu hiệu của sự tiến bộ văn minh hoặc sự suy đồi về đạo đức. Nhà sử học đầu tiên của triều đại Tacitus đã so sánh sự xa hoa trong thực đơn La Mã hàng ngày của ông với sự đơn giản trong chế độ ăn của người German. Ngũ cốc, các loại đậu, rau và trái cây thường được người La Mã xem là những loại thức ăn văn minh hơn thịt. Bữa ăn Địa Trung Hải gồm bánh mì, rượu vang và dầu ô liu đã được thánh hóa bởi Kitô giáo La Mã, trong khi sự tiêu thụ thịt thường xuyên của chế độ ăn uống German đã trở thành một biểu hiện của chủ nghĩa ngoại giáo. Các hoàng đế như Didius Julianus và Septimius Severus cũng từng khuyến khích người dân nên hạn chế ăn thịt.

Giải trí và trình diễn

Bức tranh của họa sĩ Jean-Leon Gerome mô tả một cuộc chiến giữa những võ sĩ giác đấu

Khi nhà thơ Juvenal phàn nàn rằng người La Mã đã đánh đổi quyền tự do chính trị của họ cho "bánh mì và hí trường", chính là ông đang nói đến khoản trợ cấp ngũ cốc miễn phí của nhà nước và circenses, các sự kiện giải trí được tổ chức tại những địa điểm ngoài trời lớn có tên gọi là circus trong tiếng Latin. Circus lớn nhất ở Rome là Circus Maximus, nơi tổ chức các cuộc đua ngựa, đua xe ngựa, trò chơi cưỡi ngựa Troy, các cuộc thi săn thú vật (venation), các cuộc thi đấu thể thao, các cuộc chiến đấu của những võ sĩ giác đấu hay các màn trình diễn tái hiện những sự kiện lịch sử trong quá khứ. Từ lâu, nhiều lễ hội tôn giáo đã có các trò chơi (ludi), chủ yếu là các cuộc đua ngựa và đua xe ngựa (ludi circenses).

Dưới thời Augustus, các hoạt động giải trí công cộng được tổ chức tối đa 77 ngày mỗi năm; tới triều đại của Marcus Aurelius, số ngày được phép tổ chức các hoạt động giải trí đã được tăng lên thành 135 mỗi năm. Các trò chơi (ludi) được tổ chức tại circus thường được mở đầu bằng một nghi thức diễu hành gọi là Pompa circensis.Ngoài ra, những sự kiện cạnh tranh cũng được tổ chức tại các địa điểm nhỏ hơn như đấu trường và sân vận động. Các môn thể thao có nguồn gốc Hy Lạp như chạy đua, boxing, đấu vật hay pancratium khá phổ biến ở các cuộc tranh tài. Một môn thể thao đối kháng cực kỳ khốc liệt đã nhiều lần được tổ chức ở La Mã thời kỳ này là Naumachia, những trận thủy chiến giả đẫm máu với quy mô không thua kém gì những trận thủy chiến thực sự. Đối tượng tham gia Naumachia thường là những tội phạm bị kết án hoặc nô lệ.

Circus là những công trình kiến trúc lớn nhất thường xuyên được xây dựng trong thế giới La Mã cổ đại. Đấu trường La Mã, hay còn được biết đến với cái tên Colosseum, trở thành địa điểm thi đấu thường xuyên cho những môn thể thao đẫm máu kể từ khi nó được mở cửa vào năm 80 sau Công nguyên. Circus Maximus có sức chứa lên tới 150.000 khán giả, trong khi Đấu trường La Mã có sức chứa là 50.000 chỗ ngồi, cộng thêm một khán đài đứng có thê chứa được 10.000 người nữa.

Việc sắp xếp chỗ ngồi dành cho khán giả tại các đấu trường thể hiện trật tự của xã hội La Mã: Hoàng đế ngồi ở một khu vực sang trọng dành riêng cho ông ta, những thành viên của Viện nguyên lão cũng được bố trí chỗ ngồi thuận lợi dành riêng cho họ, thường là những hàng ghế ở dưới cùng để tiện cho việc theo dõi các cuộc thi đấu hay các màn trình diễn. Phụ nữ và nô lệ ngồi ở những hàng ghế xa nhất, trong khi những người còn lại ngồi ở quãng giữa. Những buổi trình diễn tại hí trường cũng nhiều lần trở thành dịp để người dân tổ chức biểu tình về các vấn đề chính trị và xã hội. Các hoàng đế đôi khi phải triển khai vũ lực để dập tắt tình trạng bất ổn của đám đông, nổi tiếng nhất tại cuộc bạo loạn Nika năm 532, khi quân đội dưới quyền của hoàng đế Justin đã giết chết hàng ngàn người.

Ludi circenses hay đua xe ngựa (chariot racing) là môn thể thao rất được quan tâm ở La Mã thời kỳ này, và thường xuyên được tổ chức tại các Circus. Môn thể thao này nguy hiểm cho cả người lái và ngựa vì rất dễ dẫn đến chấn thương thậm chí là tử vong, nhưng chính sự nguy hiểm này lại đem tới niềm phấn khích và hứng thú cho các khán giả. Các đội tham gia tranh tài thường được phân biệt với nhau bằng màu sắc của trang phục thi đấu mà họ đang mặc. Tương tự như các môn thể thao hiện đại chẳng hạn bóng đá, khán giả thường chọn ủng hộ một đội duy nhất, sự hâm mộ của họ đôi khi đến mức quá khích, và bạo lực đã nhiều lần nổ ra giữa các cổ động viên của hai đội đối địch. Những người thi đấu ở môn thể thao này thường trở thành những vận động viên nổi tiếng nhất và giàu có nhất ở La Mã cổ đại. Một ngôi sao của bộ môn thể thao này là Diocles, tới từ Lusitania (Bồ Đào Nha ngày nay), người đã tham gia các cuộc đua xe ngựa trong vòng 24 năm và có thu nhập nghề nghiệp lên tới 35 triệu sesterces. Thiết kế của các circus La Mã phải đảm bảo rằng không đội nào có thể giành được lợi thế không công bằng cũng như giảm thiểu va chạm ở mức vừa đủ để duy trì sự khốc liệt và thỏa mãn các khán giả. Những cuộc đua xe ngựa tiếp tục diễn ra vào thời kỳ Đông La Mã dưới sự bảo trợ của các vị hoàng đế, nhưng sự suy tàn của các đô thị trong thế kỷ thứ 6 và thứ 7 cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của bộ môn này.

Trong suốt 40 năm trị vì của mình, hoàng đế Augustus đã tổ chức tám cuộc giác đấu, trong đó có tổng cộng 10.000 đấu sĩ đã tham gia chiến đấu, cùng với đó là 26 cuộc thi săn thú được tổ chức trong cùng khoảng thời gian này, đã dẫn đến cái chết của hơn 3.500 con thú. Để đánh dấu sự kiện công trình Đấu trường La Mã được hoàn tất, hoàng đế Titus đã tổ chức một lễ khánh thành kéo dài 100 ngày liên tiếp, mỗi ngày đều có một trận giác đấu ác liệt giữa hơn 3.000 đấu sĩ khác nhau. Sức hấp dẫn của những cuộc giác đấu đối với người La Mã được thể hiện rõ nét qua những mô tả trên tranh ghép, tranh tường, đèn và thậm chí cả các bản vẽ graffiti.

Những đấu sĩ được huấn luyện để tham gia các cuộc giác đấu có thể có xuất thân là nô lệ, tù nhân, hoặc cũng có thể là những người tự do tình nguyện tham gia tranh tài. Cái chết không phải là một kết quả cần thiết hoặc thậm chí là đáng mong muốn trong các trận đấu giữa những chiến binh có tay nghề cao, bởi những người này phải trải qua một quá trình luyện tập rất tốn kém và tốn thời gian. Trong khi đó, những đấu sĩ noxii là những tù nhân bị kết án tử hình, họ được huấn luyện rất ít hoặc không được huấn luyện, thường không có vũ khí, và hoàn toàn không có hi vọng sống sót trong những cuộc giác đấu. Sự đau đớn về thể chất và sỉ nhục về tinh thần được xem là cái giá cho những tội ác mà họ đã phạm phải.

Những hoạt động giải trí dành cho trẻ em thời La Mã khá đa dạng, phổ biến nhất trong số đó bao gồm trò "Rolling hop" (nghĩa là trò chơi lăn vòng, trong đó người chơi lăn một chiếc vòng và cố gắng giữ cho chúng không bị đổ lâu nhất có thể), và "Knucklbones" (nghĩa là trò chơi ném xương). Các bé gái thời kỳ này cũng rất thích chơi búp bê, những con búp bê thường dài khoảng 15 cm- 16 cm với các chi nối, thường được làm từ các vật liệu có sẵn như gỗ, đất nung, đá, xương, ngà, da hoặc sáp. Các trò chơi bóng phổ biến gồm có trigon, một môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo đặc biệt và harpastum, một môn thể thao khó chơi hơn. Thú cưng dành cho trẻ em thời kỳ này bao gồm chim, chó, mèo, dê, cừu, thỏ và ngỗng.

Khi bước sang tuổi thiếu niên, hầu hết các hoạt động rèn luyện thể chất dành cho nam giới đều mang tính chất quân sự. Campus Martius ban đầu là một sân tập thể dục công cộng của thành Rome nơi các chàng trai trẻ tập luyện để phát triển các kỹ năng cưỡi ngựa và chiến đấu. Săn bắn cũng được coi là một trò tiêu khiển thích hợp. Một số phụ nữ La Mã thời kỳ này được đào tạo để trở thành các vận động viên thể dục dụng cụ và vũ công, với một số ít trở thành những nữ đấu sĩ. Bức tranh khảm "Những cô gái mặc bikini" nổi tiếng cho thấy những người phụ nữ trẻ La Mã đang tham gia vào các hoạt động khá giống với thể dục nhịp điệu ngày nay. Phụ nữ nói chung được khuyến khích duy trì sức khỏe thông qua các hoạt động như chơi bóng, bơi lội, đi bộ,...

Người La Mã mọi lứa tuổi cũng rất thích chơi các trò board game (trò chơi trên bàn), chẳng hạn như lachunculi, một trò chơi chiến thuật khá giống với cờ vua, và XII scripta, một trò chơi gần tương tự như cờ tào cáo ngày nay. Các trò chơi cờ bạc với xúc xắc không được ưa thích, nhưng lại là là một trò tiêu khiển phổ biến trong lễ hội Saturnalia (lễ hội vinh danh thần Saturn) được người La Mã tổ chức vào tháng 12 hàng năm.

Trang phục

Trong một xã hội có ý thức như của người La Mã, quần áo và trang điểm cá nhân đã đưa ra những manh mối trực quan ngay lập tức về nghi thức tương tác với người mặc. Mặc quần áo đúng cách được cho là sự phản ánh một xã hội có trật tự tốt. Toga được coi là trang phục chính thức của công dân nam La Mã, tuy nhiên loại trang phục này khá đắt tiền, khó mặc, không thoải mái, và thường chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, những dịp trang trọng hoặc khi hầu tòa. Còn trong sinh hoạt thường ngày, người La Mã ưa chuộng các loại trang phục giản dị và thoải mái hơn.Toga màu tím được coi là loại toga sang trọng và có giá trị nhất, thường chỉ được mặc bởi các vị hoàng đế.

Loại trang phục cơ bản cho tất cả người La Mã, bất kể nam hay nữ, giàu hay nghèo, là một loại áo có tên là tunic. Loại áo này có kiểu dáng đơn giản, thường dài từ vai tới một điểm nào đó giữa hông và mắt cá chân. Chiều dài của một chiếc tunic phụ thuộc vào người mặc: áo tunic dành cho một người đàn ông thường dài đến giữa bắp chân, nhưng áo tunic một người lính thì lại có phần ngắn hơn; tunic của một người phụ nữ thường kéo dài đến tận bàn chân, còn của một đứa trẻ thì thường chỉ dài đến đầu gối.

Vào thế kỷ thứ 2, các hoàng đế và những người có địa vị thường được miêu tả mặc một loại trang phục gọi là pallium, một loại áo có nguồn gốc từ Hy Lạp. Phụ nữ La Mã cũng mặc pallium. Tertullian coi pallium là một sản phẩm may mặc phù hợp dành cho các tín đồ Kitô giáo, trái ngược với toga, và cũng là một loại trang phục của những người có học thức. Vào thế kỷ thứ 4, toga đã ít nhiều được thay thế bởi pallium như một loại trang phục thể hiện sự đoàn kết xã hội.

Phong cách quần áo ở La Mã thay đổi theo thời gian, mặc dù không nhanh như thời trang ngày nay. Ở Dominate, quần áo được mặc bởi cả binh lính và quan chức chính phủ được trang trí khá tinh xảo, với các sọc dệt hoặc thêu (clavi) và vòng tròn (orbiculi) xuất hiện trên cả áo chẽn và áo choàng. Những yếu tố trang trí này bao gồm các mô hình hình học, họa tiết thực vật cách điệu và ở các loại trang phục đắt tiền hơn thì có cả hình người hoặc động vật. Việc sử dụng lụa tăng lên, và các cận thần của Đế chế sau này đều mặc áo choàng lụa tinh xảo. Sự quân sự hóa của xã hội La Mã và sự suy yếu của đời sống văn hóa đô thị về sau đã khiến cho thói quen ăn mặc bị ảnh hưởng: thắt lưng kiểu quân đội nặng nề được mặc bởi cả các quan chức cũng như binh lính, và toga thì đã không còn được sử dụng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đế_quốc_La_Mã http://www.britannica.com/eb/article-9008022/Apoll... http://classicsunveiled.com/romeh/ http://www.euratlas.com/history_europe/europe_map_... http://ngm.nationalgeographic.com/ http://peterturchin.com/PDF/Turchin_Adams_Hall_200... http://resourcesforhistory.com http://www.unrv.com/ http://cliojournal.wikispaces.com/How+the+Jesus+Cu... http://www.princeton.edu/~pswpc/pdfs/scheidel/0406... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/...